CORONAVIRUS (COVID-19) RESOURCE CENTER Read More

Chứng Rối Loạn Cảm Xúc Lo Âu ở Trẻ Em

Chứng Rối Loạn Cảm Xúc Lo Âu Là Gì?

Child Anxiety Disorders

Hầu như ai cũng có lúc phải lo âu và cảm giác lo âu là một phần bình thường trong cuộc sống. Tuy nhiên, khi một đứa trẻ hoặc thanh thiếu niên cảm thấy lo âu quá thường xuyên, quá nhiều hoặc quá lâu, em có thể mắc chứng rối loạn cảm xúc gọi là Rối Loạn Cảm Xúc Lo Âu.

Các chứng rối loạn cảm xúc lo âu là các bệnh tâm thần có thể khiến trẻ em và thanh thiếu niên cảm thấy lo âu và sợ hãi quá mức. Các chứng rối loạn cảm xúc lo âu là các vấn đề sức khỏe tâm thần thường gặp nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên.

1. Chứng Rối Loạn Cảm Xúc Lo Âu Khi Xa Cách

Những trẻ em mắc chứng rối loạn cảm xúc lo âu khi xa cách rất lo lắng hoặc sợ hãi khi phải xa nhà hoặc những người chăm sóc chính, thí dụ như cha mẹ. Tâm trạng lo âu khi xa cách thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi, nhưng không gặp ở trẻ em lớn tuổi hơn hoặc thanh thiếu niên. Những trẻ em mắc chứng rối loạn cảm xúc lo âu khi xa cách có thể không chịu đi học hoặc đi ngủ một mình.

2. Chứng Rối Loạn Cảm Xúc Lo Âu Toàn Diện (GAD)

Trẻ em mắc chứng rối loạn cảm xúc lo âu toàn diện thường lo lắng quá nhiều về nhiều thứ. Ví dụ, đứa trẻ có thể lo lắng không biết các em có làm việc tốt hay không. Các em cũng có thể lo lắng về những thảm họa trong tương lai. Trọng tâm lo âu của các em có thể chuyển từ mối lo này sang mối lo khác. Do tâm trạng lo âu, các em thường trở thành những người tuân thủ quá mức, cầu toàn quá mức hoặc không tin tưởng ở bản thân. Các em thường có xu hướng tìm sự ủng hộ và cần được thường xuyên an ủi về kết quả công việc và các mối lo âu của các em.

3. Chứng Sợ Giao Tiếp

Chứng sợ giao tiếp là nỗi sợ hãi dai dẳng và nghiêm trọng với các tình huống giao tiếp. Trẻ nhỏ có thể biểu hiện sự căng thẳng bằng cách khóc, hờn giận, lạnh lùng, bám lấy những người lớn quen thuộc, hoặc có vẻ như cực kỳ rụt rè trong các môi trường xã hội. Trẻ em lớn hơn có thể gặp khó khăn trong học tập, không chịu đi học, hoặc tránh các hoạt động giao tiếp thông thường với bạn bè đồng trang lứa.

4. Chứng Rối Loạn Ám Ảnh - Ép Buộc (OCD)

Những trẻ em mắc chứng rối loạn ám ảnh - ép buộc thường có các ý nghĩ về sự xâm phạm, không mong muốn và lặp lại nhiều lần (nỗi ám ảnh). Các em cũng có thể có nhu cầu cần phải thực hiện các hành vi hoặc các qui trình lặp đi lặp lại, tốn nhiều thời gian mà không thể kiểm soát được (các hành vi ép buộc). Những nỗi ám ảnh khiến trẻ em cảm thấy lo lắng, và các hành vi ép buộc tạm thời làm các em bớt lo âu. Các ví dụ thường gặp về OCD là hành vi rửa tay, đếm các đồ vật, hoặc kiểm tra một thứ gì đó lặp đi lặp lại nhiều lần.

5. Chứng Rối Loạn Do Căng Thẳng Sau Chấn Thương (PTSD)

Một đứa trẻ mắc chứng rối loạn do căng thẳng sau chấn thương có nỗi sợ hãi và khiếp đảm liên quan tới những ký ức về một sự việc gây chấn động trước đây. Các ví dụ về những biến cố gây chấn động bao gồm việc bị hãm hiếp hoặc chứng kiến bạo lực. Những trẻ em mắc bệnh rối loạn do căng thẳng sau chấn thương có thể gặp những cơn ác mộng và/hoặc hồi tưởng lại biến cố đó. Các em có thể ít quan tâm hơn tới những hoạt động mà trước đây các em đã từng vui thích hoặc có vẻ như xa lánh hoặc lãnh cảm. Những gì gợi lại sự kiện đó khiến các em cảm thấy buồn, và các em có thể hay cáu giận và lo âu.

Thông Tin Thêm về Các Chứng Rối Loạn Cảm Xúc Lo Âu

Khi trẻ em mắc chứng lo âu nghiêm trọng, các em thường biểu hiện các triệu chứng về thể chất. Ví dụ:

  • Chóng mặt, buồn nôn, và nhịp tim đập nhanh
  • đau đầu
  • bồn chồn, mệt mỏi, mất ngủ
  • khó tập trung chú ý.
  • có những cơn run rẩy, căng cứng cơ, vã mồ hôi,
  • đau bụng và tiêu chảy

    Các bệnh về thể chất và tâm thần khác cũng gây ra các triệu chứng giống như chứng rối loạn cảm xúc lo âu. Và cũng có khả năng là đứa trẻ có thể mắc chứng rối loạn cảm xúc lo âu và chứng bệnh khác, thí dụ như trầm cảm hoặc chứng rối loạn quá hiếu động/ thiếu tập trung chú ý. Do đó, điều quan trọng là em cần phải được bác sĩ chuyên khoa khám kiểm tra kỹ lưỡng để có kết quả chẩn đoán chính xác.

    Nguyên nhân gây ra Các Chứng Rối Loạn Cảm Xúc Lo Âu là gì?

    Hiện nay người ta vẫn chưa hiểu rõ được nguyên nhân chính xác gây ra đa số các chứng rối loạn tâm thần. Thông thường, các chứng rối loạn tâm thần phát sinh từ các yếu tố di truyền kết hợp với các yếu tố sinh học khác, và các yếu tố nuôi dưỡng cũng như các yếu tố môi trường khác.

    Việc trong gia đình có người đã từng mắc chứng rối loạn tâm trạng lo âu không phải là hiếm, đặc biệt là trong trường hợp mắc chứng rối loạn ám ảnh – ép buộc.

    Chứng Rối Loạn Cảm Xúc Lo Âu Được Điều Trị Như Thế Nào?

    Chứng rối loạn cảm xúc lo âu có thể được điều trị bằng biện pháp trị liệu tâm lý, thuốc men hoặc kết hợp cả hai. Có hai dạng trị liệu tâm lý rất hiệu quả là trị liệu hành vi, trong đó chú trọng tới việc thay đổi hành vi; và trị liệu về nhận thức, trong đó dạy trẻ em cách hiểu và thay đổi lối suy nghĩ để các em có thể phản ứng khác với các tình huống khiến các em cảm thấy lo lắng.

    Làm Thế Nào để Được Giúp Đỡ?

    Trước hết, hãy hỏi ý kiến bác sĩ của con quý vị. Hãy yêu cầu khám kiểm tra sức khỏe toàn diện cho con quý vị. Cho bác sĩ biết về những hành vi của trẻ khiến quý vị cảm thấy lo ngại. Hãy hỏi bác sĩ của quý vị để biết có cânầđưa con quý vị đi khám chữa trị với bác sĩ chuyên khoa về các bệnh hành vi hay không.

    Quý vị cũng nên liên lạc với trường của con mình. Các giáo viên và cố vấn viên của trường cũng có thể giúp đỡ.

    Con quý vị có thể hội đủ điều kiện nhận các dịch vụ sức khỏe tâm thần từ Chương Trình Sức Khỏe Tâm Thần của Quận. Quận có đường dây điện thoại miễn phí hoạt động 24 giờ trong ngày. Họ sẽ có thể nói chuyện với quý vị bằng ngôn ngữ riêng của quý vị và giải đáp các thắc mắc về hành vi của con quý vị. Các dịch vụ và số điện thoại của họ được ghi trong trang về chính quyền quận trong danh bạ điện thoại địa phương.

    Tôi Có Thể Tìm Hiểu Thêm Thông Tin Ở Đâu?

    National Mental Health Association
    (800) 969-6642
    http://www.nmha.org

    Anxiety Disorders Association of America
    (240) 485-1001
    http://www.adaa.org

    Viện Sức Khỏe Tâm Thần Quốc Gia
    (National Institute of Mental Health)
    (888) 826-9438
    http://www.nimh.nih.gov